Google bị kiện theo dõi đi lại của hàng triệu người dùng châu Âu
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Một liên minh các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở Hà Lan, Ba Lan và năm nước Liên minh châu Âu (EU) khác gồm Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Na Uy, Slovenia và Thụy Điển đã yêu cầu cơ quan chức năng hành động chống lại Google với bị cáo buộc theo dõi hoạt động đi lại của hàng triệu người dùng, vi phạm quy định bảo vệ quyền riêng tư mới của EU.
"Những hành động không trung thực này khiến người tiêu dùng không hề hay biết về việc (Google) sử dụng dữ liệu cá nhân của họ," BEUC cho biết trong một thông cáo.
Cụ thể, các văn bản đã viện dẫn một nghiên cứu của Hội đồng người tiêu dùng Na Uy, trong đó kết luận rằng Google đã sử dụng "thiết kế lừa bịp và các thông tin sai lệch, dẫn tới hậu quả người dùng chấp nhận bị theo dõi thường xuyên." Đại diện của Hội đồng người tiêu dùng Na Uy đã chỉ trích Google sử dụng các dữ liệu cá nhân chi tiết và toàn diện mà không có nền tảng pháp lý phù hợp, và thu thập những dữ liệu này bằng nhiều kỹ xảo lừa gạt.
Qua đó, BEUC cáo buộc Google theo dõi việc di chuyển của người dùng thông qua các ứng dụng "Lịch sử vị trí" và "Hoạt động Web & App," vốn được cài đặt mặc định vào tất cả tài khoản Google. "Việc bị theo dõi đặc biệt khó tránh khỏi đối với người dùng các mẫu điện thoại di động chạy bằng hệ điều hành Android, như Samsung và Huawei," đại diện BEUC nói.
Theo BEUC, các dữ liệu về vị trí, địa điểm có thể tiết lộ rất nhiều thông tin về một người như thời gian di chuyển thực tế, các địa điểm thường xuyên lui tới, lịch trình hàng ngày, các sở thích. Việc liên tục theo dõi vị trí và tập hợp các dữ liệu địa điểm có thể được sử dụng để xây dựng một hồ sơ chi tiết về các cá nhân, cũng như phỏng đoán về tín ngưỡng, khuynh hướng chính trị, thiên hướng tình dục của họ...
Tổng Giám đốc Tổ chức người tiêu dùng châu Âu Monique Goyens cho rằng tình hình trên rất đáng báo động khi các điện thoại thông minh đang được lợi dụng để theo dõi mọi động thái của người dùng. Trong khi đó, tổ chức đại diện người tiêu dùng Hà Lan nhấn mạnh "việc theo dõi này phải chấm dứt."
Khi được hỏi về những khiếu nại trên của BEUC, một phát ngôn viên của Google cho biết: “Lịch sử vị trí bị tắt theo mặc định và bạn có thể chỉnh sửa, xóa hoặc tạm dừng nó bất kỳ lúc nào. Nếu được bật, tính năng này giúp cải thiện các dịch vụ như dự đoán lưu lượng giao thông trên tuyến đường đi làm của bạn.”
“Nếu bạn tạm dừng, chúng tôi sẽ làm rõ điều đó - tùy thuộc vào cài đặt điện thoại và ứng dụng cá nhân của bạn - chúng tôi vẫn có thể thu thập và sử dụng dữ liệu vị trí để cải thiện trải nghiệm Google của bạn.”
Tuy nhiên, người phát ngôn của Google cũng cho biết hãng này sẽ nghiên cứu thông cáo của BEUC và xem xét xử lý một số yêu cầu của BEUC.
Theo thống kê của Statcounter, gần 70% số điện thoại di động ở châu Âu đều chạy hệ điều hành Android. Hồi tháng Tám vừa qua, một cuộc điều tra của hãng tin AP (Mỹ) đã phát hiện rằng nhiều dịch vụ của Google trên thiết bị Android và iPhone lưu trữ dữ liệu vị trí của người dùng ngay cả khi họ đã sử dụng các thiết lập riêng tư. Chẳng hạn, Google lưu trữ ảnh chụp nhanh về vị trí của người dùng khi họ chỉ mở ứng dụng bản đồ (Maps). Cập nhật thời tiết hàng ngày tự động trên điện thoại chạy hệ điều hành Android xác định chính xác bạn ở đâu.
Dựa trên Quy định bảo vệ dữ liệu tổng quát của EU (GDPR) có hiệu lực hồi tháng Năm vừa qua, một công ty vi phạm có thể bị bị phạt tới 4% doanh thu toàn cầu./.
Nguồn: www.vietnamplus.vn