Bộ GD&ĐT chỉ công nhận Chương trình đào tạo Thạc sĩ QTKD của Đại học Nam Columbia, Hoa Kỳ

20 September, 2017
Về việc này, ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Phóng viên: Từ năm 2006 đến nay những trường hợp chưa có bằng Thạc sĩ tại Việt Nam, cũng chưa có bằng Thạc sĩ nước ngoài, chỉ là cử nhân (Đại học Việt Nam) nhưng đã học Tiến sĩ (từ xa) của Cơ sở đào tạo nước ngoài, chỉ tròn 2 năm đã được cấp bằng Tiến sĩ thì có được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận không? Những trường hợp như thế nào chưa có bằng Thạc sĩ được học thẳng lên Tiến sĩ?
Ông Trần Văn Nghĩa: Theo Quy chế đào tạo Tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (khoản 1 Điều 8) thì người dự tuyển đào tạo trình độ Tiến sĩ phải có điều kiện: “Có bằng thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển. Trường hợp chưa có bằng thạc sĩ thì phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá trở lên, ngành phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển”.
Theo Quy chế đào tạo Tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (sửa đổi Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT) khoản 1 Điều 5 quy định người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải: “có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ”.
Điểm b, khoản 3 Điều 3 quy định các học phần bổ sung đối với nghiên cứu sinh chưa có bằng thạc sĩ bao gồm: “… các học phần bổ sung bao gồm các học phần ở trình độ thạc sĩ thuộc ngành hoặc chuyên ngành (sau đây gọi chung là ngành) tương ứng, trừ các học phần ngoại ngữ và luận văn; có khối lượng kiến thức tối thiểu 30 tín chỉ để đảm bảo nghiên cứu sinh đạt chuẩn đầu ra Bậc 7 của Khung trình độ quốc gia và yêu cầu của lĩnh vực, đề tài nghiên cứu”.
Đối với chương trình học liên thông từ văn bằng Cử nhân đại học lên trình độ Tiến sĩ từ xa do cở sở giáo dục nước ngoài cấp thì việc công nhận học vị phải tuân thủ theo quy định của quốc gia đó.
Khoản 2 Điều 3 Chương 1 Quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT ngày 20/12/2007 quy định: “Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam”.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cho phép chương trình đào tạo từ xa do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo tại Việt Nam được hoạt động (trừ Chương trình đào tạo từ xa qua mạng trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh do Hội Khuyến học Việt Nam tư vấn hỗ trợ Trường Đại học Nam Columbia Hoa Kỳ thực hiện.
Tuy nhiên, để được công nhận văn bằng trình độ thạc sĩ do Trường Đại học Nam Colombia, Hoa Kỳ cấp, học viên cần đảm bảo các điều kiện theo Thông báo Kết luận số 40/TB-BGDĐT ngày 11/2/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi làm việc với Hội Khuyến học).
Do đó, những người có văn bằng đào tạo từ xa, ngoài chương trình trên, chưa đủ điều kiện để công nhận văn bằng ở Việt Nam.
Ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào. ảnh: Báo Tin Tức.
– Từ năm 2006 đến năm 2008, bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ “học từ xa” (đặc biệt là chưa có bằng Thạc sĩ nhưng lại học Tiến sĩ từ xa 2 năm đã nhận bằng) một số cơ sở dưới đây có được công nhận tại Việt Nam không? Thí dụ: Đại học Tarlac, Đại học Ifugao, Đại học Khoa học và công nghệ Nueva Ecija (thuộc Philipines); Đại học Pacific Wetern (Hoa Kỳ); Viện Khoa học nghiên cứu thực nghiệm điện tử ô tô thiết bị thuộc Liên bang Nga…?
Ông Trần Văn Nghĩa: Những cơ sở đào tạo nêu trên đều chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép liên kết đào tạo từ xa tại Việt Nam. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 Chương 1 Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 20/12/2007, những chương trình đào tạo Tiến sĩ từ xa do các cơ sở giáo dục này cấp bằng chưa đủ điều kiện để công nhận.
– Những trường hợp làm việc tại cơ quan nhà nước đã kê khai bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ… có phải làm thủ tục báo cáo đánh giá về bằng cấp tại Bộ Giáo dục và Đào tạo không?
Ông Trần Văn Nghĩa: Hiện nay chưa có quy định cụ thể nào bắt buộc người có văn bằng tốt nghiệp đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Tiến sĩ giấy”, “thạc sĩ tiền” và nỗi buồn của chuyện sính bằng cấp
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có quy định yêu cầu người có văn bằng đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp muốn học Thạc sĩ tại Việt Nam cần phải làm thủ tục công nhận văn bằng tại Cục Quản lý Chất lượng.
Quy định này được thể hiện rõ tại Điều 8 Chương 2 Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp là do nhu cầu của cá nhân, cơ quan, đơn vị muốn xác minh văn bằng nhằm đảm bảo giá trị pháp lý cũng như trình độ tương đương của văn bằng đó tại Việt Nam.
Việc có yêu cầu cán bộ đang làm việc tại cơ quan nhà nước phải được công nhận văn bằng hay không là do quy định của các cơ quan quản lý trực tiếp các cán bộ đó.
– Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm những gì và sắp tới triển khai các biện pháp gì nhằm ngăn chặn các chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ kém chất lượng của một số cơ sở đào tạo nước ngoài đưa vào Việt Nam?
Ông Trần Văn Nghĩa: Bộ đã ban hành Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007 quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, theo đó áp dụng đối với bằng tốt nghiệp các chương trình giáo dục các cấp học phổ thông; bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp; bằng tốt nghiệp cao đẳng; bằng tốt nghiệp đại học; bằng thạc sĩ; bằng tiến sĩ (gọi chung là văn bằng), do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam.
Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT quy định: “Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam”.
Bên cạnh đó, tại thời điểm năm 2006 đến 2008, việc thực hiện liên kết đào tạo do các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ, quy định về lập và hoạt động của các cơ sở Văn hóa – Giáo dục nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 15/2003/TT-BGDĐT ngày 31/3/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 của Chính phủ Quy định về lập và hoạt động của các cơ sở văn hoá, giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
Tại mục 2.1, Phụ lục số 1/ĐKTC quy định điều kiện trong liên kết đào tạo trình độ đại học và sau đại học quy định đối với liên kết đào tạo nhưng văn bằng do trường đại học nước ngoài cấp: “Nghiên cứu sinh tiến sĩ phải được tham gia nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của trường nước ngoài theo hình thức xen kẽ, có đồng hướng dẫn và luận án phải viết và bảo vệ bằng tiếng nước ngoài do trường quy định”.
– Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo có cảnh báo cáo gì?Ông Trần Văn Nghĩa: Để tránh tình trạng chọn không đúng cơ sở giáo dục nước ngoài đảm bảo chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo:
Đối với các chương trình du học hoàn toàn: Người học cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình đào tạo để cấp bằng của cơ sở giáo dục đó. Cần tìm hiểu xem cơ sở đào tạo đó có được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng hay không.
Đối với các chương trình đào tạo từ xa do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp: Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cho phép chương trình đào tạo từ xa do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo tại Việt Nam được hoạt động (trừ Chương trình đào tạo từ xa qua mạng trình độ Thạc sĩ quản trị kinh doanh do Hội Khuyến học Việt Nam tư vấn hỗ trợ Trường Đại học Nam Columbia, Hoa Kỳ thực hiện, như đã nói ở trên).
Do đó, người học không nên theo học các chương trình đào tạo từ xa do các cơ sở giáo dục của nước ngoài cấp bằng.
Đối với các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam: Người học cần tìm hiểu chương trình đào tạo đó có được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép liên kết đào tạo tại Việt Nam hay không.
Danh mục các chương trình liên kết đào tạo đã được phê duyệt và đăng công khai, học viên có thể truy cập vào trang http://www.vied.vn/vi/giao-duc-quoc-te/cac-chuong-trinh-lien-ket-dao-tao.html để biết thêm chi tiết.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Quang (Thực hiện)
Theo Nguồn báo Giáo Dục http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bang-Thac-si-Tien-si-dao-tao-tu-xa-gan-mac-nuoc-ngoai-khong-duoc-cong-nhan-post180556.gd

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bằng cấp Đại học Nam Columbia Được Kiểm Định và Công nhận tại Việt Nam

Tân Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Cựu học viên Columbia Southern University

Chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh - Bí quyết hoàn tất trong thời gian ít hơn hai năm