Giáo dục cho thế hệ trẻ chuẩn bị sẵn sàng cho nghề nghiệp tương lai
Nền giáo dục hiện nay đang không thật sự hữu ích cho thế hệ trẻ, vậy thì làm thế nào ta có thể giúp họ sẵn sàng cho nghề nghiệp tương lai?
Tại “Diễn đàn kinh tế thế giới” mới diễn ra, bài báo cáo mang tên “Nhận biết tiềm năng con người trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần IV” đã nhận định rằng nền giáo dục hiện tại của thế giới không giúp cho thế hệ trẻ chuẩn bị cho sẵn sàng cho công việc tương lai, từ đó đề xuất những phương án điều chỉnh giáo dục và đào tạo để có thể đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp sau này.
Đào tạo nghề nghiệp cho tương lai
Toàn cầu hóa và công nghệ hiện nay vẫn đang tiếp tục định hình lại các mô hình kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực và các vùng lãnh thổ, nhanh chóng tạo ra nhiều loại hình nghề nghiệp mới cũng như loại bỏ những công việc cũ. Tuy nhiên, với tình hình được cấp ít ngân sách của nhà nước như hiện nay và qui mô không dễ điều chỉnh, nền giáo dục thế giới vẫn chưa thể bắt kịp xu thế nói trên. Điều này có nghĩa là sinh viên sau khi học xong sẽ không có đủ kỹ năng cần thiết cho công việc (số lượng nhiều tương đương hai phần ba trẻ em học tiểu học hiện nay). Đặc biệt nữ giới sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn khi chỉ có chưa đến 2/3 cơ hội so với nam giới có được.
Bài báo nói trên thu thập ý kiến của nhiều người từ các nhà kinh doanh, nhà chính sách, các hiệp hội, viện đào tạo và các học giả; từ đó đề xuất chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân cần phối hợp với nhau trong 8 lĩnh vực chủ đạo để đảm bảo thế hệ trẻ được trang bị đầy đủ cho tương lai.
Đổi mới giáo dục cho kỷ nguyên mới
1. Chú trọng vào những năm đầu đời:
Đổi mới giáo dục ngay từ khi trẻ còn nhỏ, tập trung dạy con trẻ học đọc và viết. Việc giúp chăm sóc trẻ nhỏ cho các ông bố bà mẹ bận đi làm là việc rất quan trọng đối với cả nước phát triển lẫn đang phát triển.
2. Luôn cải tiến chương trình đào tạo:
Chương trình đào tạo phải đáp ứng nhu cầu của thị trường về kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng mềm, chẳng hạn giải quyết vấn đề và quản lý dự án. Vấn đề ở đây là đảm bảo chương trình không ngừng được cải tiến và theo nhu cầu ngày càng tăng cao của doanh nghiệp. Ví dụ điển hình là Phần Lan, một quốc gia có nền giáo dục đứng hàng đầu của thế giới, có khung đào tạo chung được cập nhật thường xuyên và cho phép các trường tự điều chỉnh để phù hợp hơn.
3. Nền giáo dục “Open-sourcing” (Tạm dịch là giáo dục mở, hoặc giáo dục tự do):
Bài báo cáo ủng hộ nhiệt tình việc nhanh chóng cải tiến đào tạo, tiếp nhận những cách học khác nhau (ví dụ Hackathons) và cho phép thử nghiệm những phương pháp mới. Ví dụ, Sở giáo dục thành phố New York đã thành lập các trường có chức năng tương đương phòng thí nghiệm và giao cho các trường này nhiệm vụ cải tiến việc dạy và học. Còn tại các quốc gia như Ghana, Mỹ và Pháp, các trường đang thử nghiệm các khóa học ngắn hạn về lập trình bằng những phương pháp học lẫn nhau, học qua dự án và học qua trò chơi.
4. Cho giảng viên trải nghiệm thực tế:
Để đào tạo và doanh nghiệp có thể đi đôi với nhau, bài báo đề xuất những bước triển khai đầu tiên như giảng viên sẽ thực hành tại các doanh nghiệp, hướng dẫn một kèm một tại doanh nghiệp, và kêu gọi khu vực tư nhân cùng tham gia đào tạo giảng viên.
5. Cho sinh viên trải nghiệm môi trường doanh nghiệp:
Tương tự như giảng viên, sinh viên nên được trải nghiệm môi trường làm việc từ sớm (ví dụ thông qua thực tập và hướng dẫn nghề nghiệp) để có thể biết được các công việc phù hợp với mình cũng như kỹ năng cần thiết.
6. Vượt qua định kiến về đào tạo nghề:
Việc đào tạo nghề và kỹ thuật rất quan trọng đối với kinh tế toàn cầu, nhưng trước giờ lại chưa được quan tâm đúng mức và thường chỉ được xem nhẹ ở vị trí thứ hai. Diễn đàn kinh tế thế giới khuyến khích việc học nghề và kỹ thuật, đồng thời nâng cao chất lượng hiện tại của đào tạo nghề. Ví dụ trong hệ thống đào tạo nghề của Đức, người học việc sẽ phân chia thời gian cho việc học và việc thực hành tại doanh nghiệp, họ được trả công và thời gian học nghề thường kéo dài từ hai đến ba năm. Phương pháp này không chỉ đào tạo ra nhiều thợ lành nghề mà còn giúp quá trình chuyển đổi giữa đào tạo và doanh nghiệp được dễ dàng hơn.
7. Thành thạo về kỹ thuật số:
Kỹ năng về kỹ thuật số rất quan trọng đối với hầu hết các công việc nhưng không phải ai cũng thành thạo. Bài báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo giảng viên và thực hành của sinh viên tại doanh nghiệp để có thể giải quyết nguy cơ ngày càng gia tăng về kiến thức kỹ thuật số. Một trong những trường hợp thành công được biết đến là tại Ấn Độ, khi “Hiệp hội quốc gia các công ty phần mềm và các công ty dịch vụ” (National Association of Software and Services Companies - NASSCOM) đã phối hợp với Chính phủ Ấn Độ cũng như các Tổ chức phi chính phủ để thành lập các “Trung tâm quốc gia về kỹ năng kỹ thuật số” trải dài khắp đất nước.
8. Học, học nữa, học mãi:
Thị trường việc làm đang tăng trưởng rất mạnh, vì vậy người lao động không thể chỉ dựa vào vài kỹ năng ít ỏi hoặc chuyên môn nhỏ hẹp để xây dựng một sự nghiệp bền vững. Bài báo do đó khuyến khích người lao động phải học tập suốt đời để có thể tiếp tục phát triển các kỹ năng, hoặc thậm chí học tập kiến thức mới để sẵn sàng cho những vị trí khác. Chẳng hạn như ở Singapore, người lao động nhận được kinh phí hàng năm cho việc đào tạo và họ dùng số tiền này để tham gia các khóa học nhằm có được những kỹ năng phát triển cho tương lai.
Khi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tiếp diễn thì nó sẽ thay đổi hoàn toàn thị trường việc làm. Bài báo cáo cho rằng, nếu nền giáo dục toàn cầu không được cải cách và điều chỉnh theo xu thế hiện đại thì những bất cập của nền giáo dục sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến sự phát triển của thế hệ tương lai.
Nguồn: BSD