Giáo dục sẽ như thế nào trong thế kỷ 21?
Trong thời đại mới, với các điều kiện mới về công nghệ, tổ chức và con người, hệ thống giáo dục có thể được thay đổi và cần được thay đổi sao cho tối ưu hóa hơn việc đào tạo con người, và giải quyết được những điểm bất cập của hệ thống giáo dục trước. Vậy hệ thống giáo dục hiện đại của thế kỷ 21 sẽ như thế nào ?
1. Người thầy trở thành người hướng dẫn
Khái niệm “người hướng dẫn” là khái niệm hiện tại chỉ có trong đại học, hoặc là với các “con vua cháu chúa”, chứ chưa có ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, trong hệ thống giáo dục hiện đại, khái niệm người hướng dẫn riêng sẽ được đưa vào cả bậc phổ thông, và các thầy cô giáo sẽ giảm bớt công việc đứng lớp đi mà thay vào đó là làm công việc người hướng dẫn riêng của các học sinh.
Một người hướng dẫn riêng của một học sinh, là một người mà học sinh đó được gặp riêng thường xuyên để trao đổi về các vấn đề liên quan đến chuyện học hành. Người hướng dẫn sẽ giúp học sinh chọn lựa các cách học, các môn học thích hợp, các sách báo để đọc, đánh giá sự tiến bộ, bổ sung các lỗ hổng kiến thức, giải đáp các thắc mắc, v.v.
Trong mô hình hiện tại, giáo viên chủ nhiệm lớp có đảm nhiệm một phần vai trò trên, tuy nhiên thời gian dành riêng cho từng học sinh của các giáo viên còn rất ít, và không có ai dành nhiều thời gian theo dõi hướng dẫn sát từng học sinh. Trong mô hình giáo dục mới, mỗi học sinh tại mỗi thời điểm sẽ có ít nhất 1 người hướng dẫn riêng, là người có trách nhiệm theo dõi sát sự tiến bộ của học sinh, giúp định hướng học tập sao cho thích hợp với nhu cầu và năng khiếu của học sinh.
Việc hướng dẫn riêng này đòi hỏi thiều thời gian cho riêng từng học sinh hơn. Vậy thời gian đó lấy từ đâu ra? Câu trả lời nằm ở chỗ số giờ làm các công việc khác của giáo viên, như coi chấm thi và giảng bài trên lớp, sẽ giảm đi. Điều đó không có nghĩa là chương trình học hay số giờ học của các học sinh bị cắt giảm đi, mà là mô hình học sẽ thay đổi. Số giờ học online hay tự học tăng lên, và việc chấm bài kiểm tra các học phần sẽ đi theo xu hướng tự động hóa.
2. Mô hình học phần
Theo mô hình này, các kiến thức & kỹ năng được chia thành các học phần, và có chương trình khung và biểu đồ liên hệ với nhau giữa các học phần, để người học biết được là học môn nào thì sẽ biết được cái gì và cần những kiến thức chuẩn bị gì.
Mỗi học phần ở trường sẽ có ít nhất 1 giáo viên phụ trách. Ai học môn nào sẽ đăng ký với giáo viên phụ trách đó. Học sinh có thể chọn lựa các học phần để học, tùy theo tốc độ, sở trường, nhu cầu và lượng kiến thức đã có của mình, theo sự hướng dẫn của người hướng dẫn. Hai học sinh cùng độ tuổi không nhất thiết phải học cùng các học phần như nhau. Ai học bị thiếu phần “cốt lõi” thì phải ưu tiên học phần đó cho đủ, còn ngoài ra các phần “hữu ích” và “năng khiếu” thì được chọn lựa. Chẳng hạn, học sinh “lớp 7″ nhưng nếu có năng khiếu toán có thể học “toán lớp 10″ cũng được. Ngược lại, học sinh “lớp 7″ nhưng chậm về toán, có thể đến lúc đó mới học đến học phần “toán lớp 5″ cũng được, trong khi học các học phần khác ở mức “lớp cao hơn”. Với mô hình học phần cho phép lựa chọn này, sẽ giảm thiểu được tình trạng “ngồi nhầm lớp”.
Mô hình học phần này cũng giúp làm tăng tiếp xúc xã hội, qua đó học sinh sẽ được giao tiếp nhiều hơn, có nhiều bạn hơn: cứ đi học mỗi học phần thì lại gặp một nhóm học sinh (với các độ tuổi khác nhau) cũng học chung học phần đó, chứ không chỉ suốt ngày chỉ gặp đi gặp lại các học sinh cùng một lớp cho tất cả các môn học. Đồng thời nó sẽ làm giảm sức ép tâm lý chênh lệch tuổi tác đối với các học sinh có năng khiếu đặc biệt hay các học sinh học chậm: các học sinh thông minh đặc biệt vẫn sẽ gặp các bạn cùng tuổi ở một số học phần (vì không phải môn nào cũng nhất thiết phải “nhảy cóc”), và các học sinh học chậm cũng không phải chỉ toàn học với những học sinh kém tuổi mình. Thay vì đó, các học sinh sẽ học cả với những người nhiều tuổi hơn, bằng tuổi, hay ít tuổi hơn mình, tùy theo học phần.
3. Chuẩn hóa việc kiểm tra các học phần
Các học phần khi đã được chuẩn hóa, thì việc thi cử cũng sẽ được chuẩn hóa theo. Trên thế giới đã có một số kỳ thi được chuẩn hóa, như là thi IELTS để kiểm tra trình độ tiếng Anh.
Việc chuẩn hóa thi cử các học phần là cần thiết để đảm bảo tính khách quan, nhất quán và công bằng, giảm thiểu sự tùy tiện. Hai chứng chỉ ở hai nơi khác nhau và cấp vào hai thời điểm khác nhau có thể đánh giá tương đương với nhau, và người học qua các kỳ thi đã chuẩn hóa cũng tự đánh giá được trình độ của mình đang ở đâu.
4. Ngôi trường hiện đại
Trong mô hình giáo dục của thế kỷ 20, trường học chủ yếu chỉ gồm có các phòng học. Phòng học là nơi học sinh nghe giáo viên giảng bài, làm bài tập hay bài kiểm tra. Ngoài ra có thể có một số thứ khác, như là: phòng họp của giáo viên, của ban giám hiệu, sân chơi, thư viện, nhà ăn, nhưng những thứ khác đó rất ít, và không phải chỗ nào cũng có.
Ngày nay, ở nhiều nơi trên thế giới, học sinh ở trường cả buổi sáng và buổi chiều. Tính ra thời gian ở trường tương đương với thời gian ở nhà. Do vậy trường học không chỉ là chỗ học sinh đến để ngồi học, mà còn phải làm các hoạt động khác, sao cho có một cuộc sống vui vẻ ở trường và việc học được hiệu quả. Như môt nhà giáo dục học có nói “Việc học không chỉ là sự chuẩn bị cho cuộc sống, mà bản thân nó cũng là cuộc sống”. Ta muốn có cuộc sống vui sướng, thì bản thân việc học cũng phải vui sướng, chứ “học đau khổ để sống vui sướng” là triết lý lệch lạc.
Ngôi trường hiện đại phải là nơi học sinh có thể ở đó cả ngày mà không thấy nhàm chán mệt mỏi. Như vậy, ngoài các phòng học, và các phòng cho giáo viên, trường còn cần có các khu khác cho học sinh như: sân chơi, phòng chơi với các đồ chơi, thư viện, videoteque, nhà ăn, khu vệ sinh, nhà tắm, phòng tập thể dục, phòng đánh đàn, v.v., và có cả bể bơi nếu là trường chuẩn.
Để có các ngôi trường chuẩn như vậy, vấn đề chính không phải là tài chính (tiền mà các phụ huynh chi cho giáo dục của con cái ở nhiều nơi thừa sức để trang bị nhữnh thứ đó cho trường), mà là vấn đề tổ chức và cách suy nghĩ. Nếu như các khách sạn 3 sao hiện nay có bể bơi được, thì tại sao một trường học lại không, trong khi số lượng người ở một trường đông hơn nhiều so với ở một khách sạn?
Posted by
Nguyen Ba Dat • Development CSU’s Programs Manager
Columbia Southern University • Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620Email: datcsu@hcm.fpt.vn
Nguyen Ba Dat • Development CSU’s Programs Manager
Columbia Southern University •
Columbia Southern University •
Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620
Email: datcsu@hcm.fpt.vn