Xu hướng giáo dục mới - Trường Mở ở Việt Nam
Trường Mở, The Open School, một mô hình rất mới của nhóm trẻ trong nước kết nối trên mạng cùng những bạn ở nước ngoài thích đến Việt Nam.
Học nhóm |
Nhu cầu được chia sẻ
Một trong những người biến ý tưởng Trường Mở thành những buổi sinh hoạt thực tế là Sandy Bích Ngọc, tác giả cuốn tự truyện Cát Hay Là Ngọc. Sandy cho biết đến với Trường Mở trước hết là nhu cầu được chia sẻ và được học hỏi:
Sandy có tham gia một số buổi hội thảo rồi một số những workshops dành cho các bạn sinh viên chuẩn bị ra trường và muốn khởi nghiệp, thì cái môi trường mà các bạn nào muốn khởi nghiệp thì nó phù hợp hơn, còn về vấn đề chia sẻ câu chuyện trong cuộc sống, những khúc mắc của các bạn trong cuộc sống thì thật ra không có được giải đáp, giải tỏa, không có những chuyên gia tâm lý hay những người có kinh nghiệm để mà chia sẻ với các bạn.
Bắt nguồn từ ý tưởng đó, Sandy mới thấy tại sao mình không mở ra một môi trường để các bạn tới và muốn chia sẻ về mình. Họ không phải là người nổi tiếng. Có những bạn họ tự tin, họ đã bước ra khỏi ranh giới hoặc đã vượt lên chính bản thân của họ thì bản thân Sandy nghĩ đó cũng là người thành công. Sandy thấy ai cũng có thể chia sẻ câu chuyện của mình hết chứ không chỉ người nổi tiếng. Sandy bắt đầu nói chuyện với một người bạn và bạn ấy đồng ý với ý kiến của Sandy. Thế là Sandy và bạn ấy cùng nhau làm.
Giúp Sandy đưa ý tưởng Trường Mở vào hiện thực là Preetam Rai, một bạn trẻ thích đi du lịch qua các xứ Châu Á, thường xuyên đi về giữa Nhật Bản, Singapore và Việt Nam:
Tôi là người Ấn Độ, hiện đang ở Việt Nam. Nghề của tôi là huấn luyện giáo chức nên bạn có thể gọi tôi là chuyên viên về giáo dục cũng không sai. Trọng tâm của tôi là giáo dục và tôi luôn khuyến khích mọi người học tập lẫn nhau.
Tôi sinh ra ở Ấn Độ, một đất nước đang phát triển như Việt Nam nhưng tôi may mắn được đi nhiều nên tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức du lịch mà tôi có với người trẻ Việt Nam.- Preetam Rai
Chính vì thế Trường Mở cũng là một ý tưởng tương tự, phản ảnh cái suy nghĩ rằng mỗi một người trong chúng ta đều có một số kiến thức về một vấn đề hay một đề tài nào đó. Trong một cộng đồng dân cư, trong trường học hoặc ngoài đường phố cũng có rất nhiều người cùng có chung một sự hiểu biết nhất định nào đó, vậy thì Trường Mở là nơi mà mọi người có thể đến gặp nhau để giao tiếp và để học hỏi.
Đến với Trường Mở học viên có thể viết ra trên giấy những điều họ muốn nghe hoặc muốn chia sẻ, ghim những mảnh giấy đó lên bảng. Người hướng dẫn như chúng tôi sẽ yêu cầu mọi người lựa chọn những đề tài đó rồi cùng ngồi xuống trao đổi và thảo luận với nhau.
Chúng tôi vừa bắt đầu hai lớp như thế tại Việt Nam, điều tôi cảm thấy được khích lệ nhất là các bạn trẻ Việt Nam rất rộng lượng, họ sẵn sàng, vui vẻ trao đổi kiến thức cũng như sự hiểu biết cùng nhau. Tôi sinh ra ở Ấn Độ, một đất nước đang phát triển như Việt Nam nhưng tôi may mắn được đi nhiều nên tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức du lịch mà tôi có với người trẻ Việt Nam. Tôi ước ao các bạn trẻ Việt Nam hiểu biết nhiều hơn về các nước quanh đây, về những phong tục tập quán khác nhau để một ngày nào có thể tự mình đi và khám phá thế giới bên ngoài. Tôi đến với Trường Mở ở Việt Nam là như vậy đó.
Mục đích chung
Nhà văn Hòa Bình, thành viên Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh, từng sát cánh với Sandy trong các dự án xã hội, giải thích lý do vì sao cô ủng hộ Sandy và nhóm bạn trẻ của The Open School:
Khi đọc được thông tin về Trường Mở, lớp học mở, của các bạn trên cộng đồng mạng thì lập tức là Hòa Bình nhấn nút tham gia. Trên cộng đồng mạng các bạn chỉ giới thiệu đơn giản đây là nhóm những người bạn đến từ mấy quốc gia khác nhau, mong muốn và mục đích của những buổi workshops đấy là gì. Các bạn cũng đặt ra những khái niệm cơ bản tôi thấy rất hấp dẫn. Các bạn có chú thích thêm là ngôn ngữ sẽ là tiếng Anh và tiếng Việt.
Mô hình Open School bao gồm 2 yếu tố, thứ nhất là cơ hội để các bạn trẻ trau dồi, thực hành tiếng Anh và có thể một vài ngôn ngữ khác nữa. Yếu tố thứ hai là trao đổi về kinh nghiệm sống, kỹ năng sống, cập nhật các mối quan hệ hay mở rộng giao tiếp. Hai yếu tố đấy thì tôi thấy trong trường Đại Học của chúng ta hiện nay đều đang làm không tốt lắm, nên là cơ hội để thực hành và giao tiếp bằng tiếng Anh thì các bạn cũng phải đi vào thực tế như thế, trừ những trường chuyên về ngoại ngữ thì không nói. Về kỹ năng sống thì các bạn bắt buộc phải tìm cơ hội để mở rộng giao tiếp của mình trong kiểu trường học giống như là Open School vậy.
Mô hình Open School bao gồm 2 yếu tố, thứ nhất là cơ hội để các bạn trẻ trau dồi, thực hành tiếng Anh, thứ hai là trao đổi về kinh nghiệm sống, kỹ năng sống, cập nhật các mối quan hệ hay mở rộng giao tiếp.- Nhà văn Hòa Bình
Hôm 18 tháng Mười Hai, lớp học đầu tiên của Trường Mở diễn ra tại Sài Gòn, kế đến là lớp thứ nhì tại Cần Thơ ngày 24 tháng Mười Hai. Nhà văn Hòa Bình:
Có rất nhiều những lớp học tương tự như thế những thường là do các cơ quan hay doanh nghiệp mà người ta có kinh phí để đầu tư, người ta mời những giảng viên từ nước ngoài, hoặc là những giảng viên có trình độ đang giữ những trọng trách gì đấy ở các cơ quan, họ tới họ đào tạo hướng dẫn cho đội ngũ lãnh đạo hoặc đội ngũ cán bộ nhân viên cho công ty mình. Thế thì doanh nghiệp lớn mới làm được điều đấy, còn ở đây thì các bạn không thu phí mà chỉ trả tiền cà phê cho địa điểm ấy thôi.
Khi đến thì tôi hiểu hơn là các bạn điều hành chương trình đều dùng tiếng Anh. Có một số bạn trẻ không hẳn là sẵn sàng dùng tiếng Anh để giao tiếp thì các bạn cũng hơi co cụm lại một chút. Nhưng mà qua quan sát thì tôi nhận thấy cách điều hành rất thông minh, các chủ đề đặt ra đều được các nhóm bạn thảo luận rất sôi nổi. Có lúc có nhóm bạn thảo luận bằng tiếng Việt vì có bạn không nói được tiếng Anh.
Nhóm điều hành làm rất tốt là tách mọi người ra hoặc gom mọi người lại, đẩy mọi người từ chủ đề này sang chủ đề khác, nắm bắt vấn đề rất là tốt, tôi thấy lớp học rất thú vị.
Mô hình mới ở Việt Nam
Một bạn trẻ đã tham gia Trường Mở lớp đầu tiên ở Sài Gòn hôm 18 tháng Mười Hai vừa qua, bạn Vũ Việt Dũng, làm việc trong công ty Cà Phê Trung Nguyên, đã chia sẻ câu chuyện về cuộc hành trình bạn thực hiện bằng xe đạp từ Sài Gòn ra Hà Nội:
Cũng muốn làm sao để các bạn trẻ có được cảm hứng có được động lực vượt qua khó khăn. Hoặc là để trong một giai đoạn nào đó mà các bạn cảm thấy xuống tinh thần thì các bạn có hướng để có thể vượt qua. Đó là mục đích câu chuyện em chia sẻ trong buổi Open School đầu tiên tại Sài Gòn. Thực ra em cũng có khá nhiều bạn trên những chặng đường, đi tới Quảng Ngãi, Nghệ An rồi đi tới Hà Nội. Chính những người bạn trong những cuộc gặp gỡ như vậy, rồi mình được nhìn được thấy quê hương đất nước của mình từ phong cảnh từ con người là những kỷ niệm mà mình trải nghiệm mình đón nhận.
Khi chia sẻ thì em cũng nói với các bạn trẻ là mình phải biết được cái đích của mình ở đâu, mình hoạch định hành trình đó như thế nào và tại sao mình phải làm như vậy.
Người thứ hai, bạn Đỗ Thị Kiều Phương, đến với Trường Mở để có cơ hội chia sẻ về chương trình đạp xe xuyên Việt có tên là Hành Trình Kết Nối Yêu Thương mà bạn đã hoàn tất trong năm:
Em đang làm cho một công ty đào tạo tư nhân và em ở Phòng Tư Vấn Tuyển Sinh. Tới Open School thứ nhất là em muốn trau dồi kỹ năng tiếng Anh của mình. Trong môi trường đó có nhiều bạn là người Việt nhưng mà họ vẫn nói tiếng Anh.
Tham gia Open School thì em có chia xẻ một chút về chuyến đi của mình. Em ở Sài Gòn em đi tàu ra Hà Nội. Từ Hà Nội em đi vào tới Cà Mau bằng xe đạp, sau đó từ Cà Mau tới Sài Gòn em cũng đi bằng xe đạp luôn. Em là một người vốn dĩ rất ít đi du lịch, trước giờ em chỉ đi có mỗi Vũng Tàu thôi. Lúc đó em muốn trải nghiệm cuộc sống ở mọi vùng miền của Việt Nam nên em quyết định đi xe đạp từ Hà Nội tới Cà Mau.
Điều mà bạn Đỗ Thị Kiều Phương cảm thấy cần chia sẻ cùng các bạn khác trong Open School là:
Đáng nhớ nhất của em trên chuyến đi là ở chặng Nha Trang, chặng mà tụi em ngồi ở biển khoảng 20 người và tụi em chia sẻ những điều không hài lòng về nhau. Trên cả chặng đường từ Hà Nội tới Nha Trang, đoàn của em là hơn 50 người thì mỗi người một tính cách, văn hóa vùng miền lại khác nhau nữa vì những người đi là từ 3 miền của đất nước luôn nên văn hóa và cách ứng xử của người ta khác mình, tụi em có mâu thuẫn với nhau rất nhiều.
Và khi ở Nha Trang tụi em đã thẳng thắn chia sẻ với nhau, cũng có cãi lộn nhau nữa. Khi nói ra hết những gì vướng mắc trong lòng mình thì từ chặng đó tụi em rất là thân với nhau. Vấn đề là trước giờ em sống rất khép mình nên em muốn có cuộc sống hòa đồng hơn. Em học hỏi được là mình nên tự tin để nói về quan điểm của mình.
Trần Hoài Bảo Thanh là sinh viên năm cuối Đại Học Hoa Sen:
Em thấy Open School là một mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, em tới Open School với mục đích là muốn có thêm bạn và thông qua những câu chuyện của họ có thể tạo thêm động lực cho cuộc sống của em.- Trần Hoài Bảo Thanh
Em thấy Open School là một mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, em tới Open School với mục đích là muốn có thêm bạn và thông qua những câu chuyện của họ có thể tạo thêm động lực cho cuộc sống của em.
Tuổi thơ của em không được êm đẹp cho lắm, em cũng là nạn nhân bị xâm hại. Em sống khép kín, không thích chia xẻ nhiều với ai hết. Em cảm thấy nếu em cứ tiếp tục cuộc sống như thế thì vô hình em đẩy bản thân của em ra khỏi xã hội. Em tới đó để em chia xẻ những suy nghĩ của em , em cảm thấy đó là môi trường rất mở và mọi người cũng rất thoải mái, tự do chia xẻ quan điểm của mình và mình nhận được sự đồng cảm. Em gặp những người lớn tuổi hơm em tới từ Ấn Độ, Hàn Quốc, một số các bạn tuy là người Việt Nam nhưng các bạn nói tiếng Anh rất khá.
Trần Hoài Bảo Thanh bày tỏ ao ước làm sao Open School diễn ra đều đặn mỗi tuần vì đây là một sinh hoạt hữu ích, lý tưởng và cần thiết cho giới trẻ.
Mô hình mới thu hút các bạn trẻ từ nhiều vùng miền |
Nhà văn Hòa Bình cho biết cô cũng chỉ mong muốn Trường Mở có thể làm hơn thế nhưng nỗi băn khoăn mà cô không thể giấu được là:
Tất nhiên một mô hình trường học hữu ích như thế thì rất nên được đưa về các địa phương, càng vùng sâu vùng xa càng tốt, để các bạn trẻ và các em nhỏ nữa có cơ hội tiếp cận với những người thầy có tâm huyết như các bạn đang đứng ra điều hành Open School.
Thế nhưng điều mình phải băn khoăn phải suy nghĩ và cũng có trao đổi với các bạn là nếu chỉ sử dụng tiếng Anh thì có khi nhiều bạn trẻ lại e sợ lại không dám tới.
Vấn đề thứ hai nữa là tôi cũng tự đặt ra câu hỏi với nhóm bạn ấy là để duy trì được lớp học ấy một cách lâu dài thì thực sự vẫn chưa có câu trả lời triệt để được. Nếu bạn làm miễn phí thì có thể số lượng người tham dự sẽ rất đông, nhưng nếu bắt đầu thu phí, kể cả thu phí thấp, thì số người tham dự sẽ giảm đi thấy rõ. Thế nên chuyện cân bằng giữa thu phí hay không thu phí sẽ là vấn đề làm cho nhóm điều hành đau đầu.
Bây giờ nhóm điều hành đến từ nhiều quốc gia khác nhau, ai nuôi các bạn ấy để các bạn bay từ Singapore về thành phố Hồ Chí Minh, từ thành phố Hồ Chí Minh lại lên chuyến xe đò chạy về Cần Thơ làm chương trình, sau đấy lại quay trở lại ngay trong đêm rồi hôm sau lại bay về Singapore, ví dụ như thế. Tất cả những chi phí đấy làm thế nào để cân đối được, chi trả được để tiếp tục mở những lớp học tiếp theo. Đó là một câu hỏi không dễ trả lời.
Những ưu tư của nhà văn Hòa Bình chắc hẳn cũng nỗi lo của những người quan tâm. Vào khi năm 2016 sắp chấm dứt, cầu chúc những người có lòng trong Open School có thể tìm một lối ra cho vấn đề rất sát với thực tế này.
Thanh Trúc