Tâm sự của cụ ông 70 tuổi lấy bằng thạc sỹ luật
1. Thạc sĩ luật tuổi 70 tự bạch
Ba cái được lớn nhấtcủa việc học là: hiểu biết hơn về con người, về cuộc sống, tự tin hơn; lo việc nhà và điều hành công việc HTX tốt hơn; giúp đỡ người khác có hiệu quả hơn. Ông Lương Tuyển, người sắp bảo vệ luận văn thạc sĩ Luật ở tuổi 70 chia sẻ.
"Hồi nhỏ, tôi chỉ được đi học ở trường phổ thông có 3 năm”, ông Lương Tuyển kể. Ông sinh tháng 2/1947 ở thôn Tân Quang (xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), mồ côi mẹ lúc 5 tuổi, đến năm 8 tuổi cha cũng mất, ông cùng 2 người em được ông bà ngoại nuôi.
Vườn trái cây nhà ông Tuyển |
2. Học, học, học nữa
Vừa đi học vừa đi chăn bò, đến lớp 3 thì ông phải bỏ học. Tuy nhiên, bằng việc tự học và theo học một số lớp bổ túc, cho đến trước khi bị bắt lính vào quân đội Sài Gòn cũ, ông cũng học tới lớp đệ tứ (lớp 9), lấy được bằng trung học đệ nhất cấp (tương đương THCS hiện nay). Thời gian đi lính, ông làm nhân viên xét nghiệm ở bệnh viện quân đoàn 2, quân đội Sài Gòn tại Pleiku, Gia Lai. Sau 1975, ông Tuyển về quê làm y tế thôn, rồi làm nhân viên thú y của HTX Nông nghiệp Ninh Quang. Ngày đi làm, tối đạp xe lên trường THPT Trần Cao Vân ở thị trấn Ninh Hòa (nay là phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) để học bổ túc, ông cần mẫn học đến hết lớp 12.
Năm 1981, ông Tuyển được cử đi học trung cấp chăn nuôi - thú y ở trường Trung học Nông nghiệp tỉnh Phú Khánh (tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên hiện nay). “Lúc đó mấy cán bộ ở xã được cử đi học đều ngại học xa, vất vả, nên suất đi học mới đến tôi”, ông Tuyển nói về điều mà ông cho là may mắn. Trường ở xã Hòa An, thị xã Tuy Hòa (nay là xã Hòa An, huyện Tuy Hòa, Phú Yên), khoảng cách từ Tuy Hòa về Ninh Quang gần trăm cây số, xe đò ì ạch chạy bằng than mất nửa ngày. Lúc đó vợ chồng ông có hai con trai 6 tuổi và 2 tuổi, ông đi học thì gánh nặng nuôi con dồn hết cho vợ, đã vậy không hiểu sao ông bị xã cắt mất tiêu chuẩn hỗ trợ người đi học, là 20 kg lúa mỗi tháng. Bây giờ 20 kg lúa chả đáng kể gì, nhưng thời gian khó xưa, hàng tháng mất lượng lúa đó là thiệt thòi lớn lắm.
Năm học thứ 2 ông ốm yếu vì thiếu ăn, lại bị bệnh phổi, tưởng chừng phải bỏ. Tuy nhiên, cuối cùng ông vẫn qua được 3 năm học, lấy được bằng trung cấp chăn nuôi - thú y. Học xong, ông Tuyển được cử làm trưởng trại heo của HTX nông nghiệp Ninh Quang rồi làm Phó Chủ nhiệm HTX. Năm 1997, khi HTX nông nghiệp Ninh Quang tách làm hai, ông làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Ninh Quang 2 (từ năm 2014 chuyển thành giám đốc, chức danh theo Luật HTX 2013).
Năm 1988 ông Tuyển xin học lớp kỹ sư nông nghiệp tại Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng tại chức tỉnh Phú Khánh, nhưng không được chấp nhận vì ông không có trong biên chế, không thuộc diện cán bộ quy hoạch. Tới năm 1997, khi Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Khánh Hòa liên kết với trường ĐH Mở - Bán công TPHCM mở lớp đại học quản trị kinh doanh, ông Tuyển đăng ký liền. Năm 2001, khi đã 54 tuổi, ông được cấp bằng cử nhân khoa học ngành quản trị kinh doanh. Đến năm 2005, ông thi đậu vào trường ĐH Luật TPHCM, theo hình thức vừa làm vừa học. Tháng 7/2010, ông được trường ĐH Luật TPHCM cấp bằng cử nhân luật.
Cuối năm nay ông sẽ bảo vệ luận văn thạc sĩ luật, đề tài “ Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của HTX gây ra”. Nhưng ông Tuyển vẫn chưa ngưng việc học. “Tôi có ý định, sau khi lấy bằng thạc sĩ luật sẽ học thêm tiếng Anh, để có thể thi nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ”, ông cho biết.
3. Học để hiểu biết, không phải để lấy bằng
Tạm ngưng kể chuyện học, ông Tuyển dẫn PV đi thăm những khu ruộng lúa, vườn xoài, vườn tre lấy măng… trong trang trại của gia đình ông. Vợ chồng ông Tuyển vào rừng Đá Trụ khai hoang từ sau năm 1975, đến nay tạo được một cơ ngơi có diện tích khoảng 10ha, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
“Đi học, hiểu biết nhiều hơn thì sắp xếp, quản lý mọi việc thấy dễ dàng hơn, kể cả dàn xếp chuyện mất đoàn kết trong HTX cũng nhẹ nhàng hơn”, ông Tuyển nói, bên gốc bưởi da xanh vừa cho lứa quả đầu tiên. Theo ông, không có con đường nào để thể hiện mình, để đóng góp cho xã hội tốt bằng việc học, càng học càng thấy mình cần học nữa. Ông đi học luật vì biết luật sẽ tự tin hơn trong quan hệ xã hội, và vì thấy rằng ở xã hội có nhiều người cần được trợ giúp về luật pháp. “Tôi không làm việc lớn được, nhưng có kiến thức về luật sẽ có thể giúp người ta không bị thiệt thòi, không bị chèn ép”, ông nói.
Ông Tuyển trước đó đã nhận bằng cử nhân luật |
Ở lớp đại học luật và lớp thạc sĩ luật của ông Tuyển, phần lớn học viên là cán bộ đương chức ngành tòa án, thuế vụ, công an…, ở lứa tuổi con cháu ông. Có những cái họ chỉ cần học trong 5 phút, ông già phải học 30 phút mới vào, nhưng ông quyết chí học để hiểu, để nhớ. “Vậy nhưng họ cần phải lấy được bằng để đạt chuẩn thăng chức, bổ nhiệm, còn tôi chỉ cần lấy kiến thức, đâu có bị áp lực như họ”, ông Tuyển cười, nói về sự “hơn” của ông so với những người trẻ.
Cũng vì mục đích học để lấy kiến thức, nên nhiều khi làm bài thi, có người đưa bài làm hoặc mở tài liệu cho ông, ông không xem. “Mình dở, thi không được thì học lại để thi lại, đừng làm vậy để ảnh hưởng bọn nhỏ”. Nói rồi ông cho biết chuyện thi tuyển sinh thạc sĩ luật lần thứ hai mới đậu, nhưng không hề xấu hổ về điều đó. “Khi khoe điều mình không có thực, như bảo rằng mình biết tiếng Anh mà không đọc hiểu được, không nói được tiếng Anh thì mới cần thấy xấu hổ”, ông Tuyển nói.
Nghe ông Tuyển nói về ba cái được của việc học, bà Trần Thị Sương vợ ông bổ sung một cái được nữa, là làm gương cho các con. Ông bà có 4 con trai, trừ người con đầu sinh năm 1975, ba người con sau đều tốt nghiệp đại học, hai người tốt nghiệp đại học về tin học, con út Lương Trần Hiếu tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2015, đang công tác tại đồn Biên phòng Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa.
Theo Báo Tiền Phong