Câu chuyện về người bị gọi lên vì dám cho sinh viên nghe "đài địch"

Về một người Thầy lớn


Trong ký ức của nhiều nhà ngoại giao, họ vẫn nhớ như in hồi đi sơ tán, “thầy Hoàng Túy mỗi lần đi dạy đều mang theo chiếc đài Orionton". Họ được thầy cho nghe đài VOA, rồi BBC.


Thầy Hoàng Túy

Khoảng đầu những năm 2000, Đài Truyền hình Hà Nội có ý định giới thiệu chân dung ông Hoàng Túy với tư cách một dịch giả. Hồi đó, ông Hoàng Túy đã cùng với các dịch giả khác dịch một số sách như Chiến bại, Hãy để ngày ấy lụi tàn, Sống trong bóng tối, Kẻ tư hữu, Phát hiện Ấn Độ, Cây người, Hồi ký Churchill, hay 1 số tập trong Thiên tình sử Angelique.

Khi phóng viên Đài Truyền hình tới đặt vấn đề, ông Hoàng Túy nhẹ nhàng trả lời: “Nếu cháu muốn dựng chân dung một dịch giả thì tốt nhất nên liên hệ với bác Phạm Mạnh Hùng về tiếng Nga, hoặc bác Dương Tường về tiếng Anh. Còn bác chỉ là một chuyên gia tiếng Anh, có dịch xuôi, dịch ngược, nhưng phần lớn thời gian bác dành cho việc dạy học.”

Quả đúng như vậy, kể từ sau khi rời Trường Ngoại giao vào năm 1976 sang Nhà Xuất bản Ngoại văn, ông vẫn tiếp tục dạy học cho các biên dịch viên Ban Biên dịch để nâng cao trình độ cho họ. Rồi khoảng 5-6 năm sau, các học trò cũ của ông tại Trường Ngoại giao, nay đã trở thành giảng viên, lại mời ông về dạy môn dịch cho sinh viên ngoại giao. Và công việc dạy học vẫn theo đuổi ông cho tới sau ngày ông về hưu…


Dám cho sinh viên nghe “đài địch”



Ông Trần Tam Giáp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí, Bộ Ngoại giao kể, trong những ngày sơ tán ở Thôn Thù Lâm, Xã Tiên Phong, Huyện Phổ Yên, Tỉnh Bắc Thái (nay tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Cạn), thời Tổng thống Mỹ Johnson cho máy bay đánh phá miền Bắc, tối nào thầy Hoàng Túy cũng xách chiếc đài Orionton đi phụ đạo sinh viên, chủ yếu là các cán bộ đi học, và cho nghe đài BBC.

Người con trai đầu của ông, lúc đó mới 6-7 tuổi, còn nhớ rằng khi ba bố con ra về thì trời đã khuya, ông Hoàng Túy một tay bế đứa con thứ hai mới 3-4 tuổi, một tay vừa cầm đài vừa dắt cậu con trai đầu vừa đi vừa ngáp ngủ, chân bước thấp bước cao.

Ông Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng ngoại giao, thành viên lớp phiên dịch 1, Trường Ngoại giao, nhớ lại: “Tôi vẫn còn nhớ trên sơ tán thầy Hoàng Túy mỗi lần đi dạy đều mang theo chiếc đài Orionton. Chúng tôi được nghe đài VOA, chương trình Special English, cho dễ nghe. Sau trình độ khá dần lên được nghe VOA bình thường, rồi BBC.”

Ông Trần Thái, nguyên phóng viên Thời báo Kinh tế Việt Nam và Vietnam Economic Times, thời đó là sinh viên lớp phiên dịch. “Chúng tôi vào năm thứ 4, khi đã sơ tán về, mới được học thầy Hoàng Túy. Thầy dạy nghe nói là chính, ngoài ra còn dạy thêm dịch xuôi và dịch ngược”, ông Trần Thái nói.

“Lớp phân thành hai tổ, mỗi tổ hơn 10 người, lần lượt ngồi quanh chiếc bàn quanh chiếc Orionton bên ngoài có 4, hay 6 cục pin buộc dây chun. Buổi sáng, lúc 9 giờ thầy cho nghe đài Philippines, buổi chiều thì nghe Special English của VOA. Thầy cho nghe từng câu, rồi bắt sinh viên nói ý chính, sau đó nhắc lại cả câu, vì thế chúng tôi vừa được học nghe, vừa được học nói”, ông Trần Thái hồi tưởng lại.

Ông Trần Thái vẫn còn nhớ như in, vì cho sinh viên nghe đài địch mà Phòng Tổ chức – Cán bộ đã gọi thầy Hoàng Tuý lên bắt giải trình, và điều đó dường như có ảnh hưởng tới sự nghiệp của thầy. Tôi cũng từng chứng kiến công an khu vực vào nhà vặn vẹo ông Hoàng Túy vì dám nghe đài địch.

Ông Hoàng Túy từng kể lại, ông đã trả lời dứt khoát với công an và phòng tổ chức cán bộ: “Thứ nhất học ngoại ngữ mà không được tiếp xúc với người bản ngữ là một thiệt thòi lớn, cho nên tôi phải dùng cách nghe đài các nước nói tiếng Anh để thay thế. Thứ hai, họ là những nhà ngoại giao tương lai, phải lo cách ứng xử, đối phó với bên ngoài, vì vậy họ phải được biết nước ngoài nghĩ gì, nói gì về Việt Nam.”

Cư xử với sinh viên như người anh


Thầy Hoàng Tuý chụp cùng các học trò (là những nhà ngoại giao thành danh hiện nay) trong lễ cưới con trai cả

Nguyên Thứ trưởng Lê Công Phụng nói rằng thầy Hoàng Túy để lại ấn tượng nhất với sinh viên nói chung, cá nhân ông nói riêng, là về cách sống. Khác với thầy Đoàn Hựu luôn đạo mạo, thầy Hoàng Tuý luôn vui vẻ, thân mật với sinh viên. “Hình ảnh thầy Hoàng Túy đi dạy luôn mang chiếc Orionton, rồi cảnh thầy đi chơi, đi liên hoan bữa ăn đầy khiêm tốn của thời sơ tán, tôi không bao giờ quên.”


Trong ký ức của ông, đa số sinh viên thời đó mới từ nông thôn ra, thầy Hoàng Túy chỉ bảo từng li từng tí, có kinh nghiệm, vốn sống gì là truyền hết cho sinh viên. Lớp phiên dịch 1 nhờ đó đã trưởng thành rất nhanh, và trở thành con gà nòi của Trường Ngoại giao lúc đó.

Ông Trần Tam Giáp rất thích phong cách dí dỏm, hóm hỉnh của thầy Hoàng Túy. “Trong giờ học thầy luôn pha vào những câu chuyện thực tế trong đời thầy, những câu chuyện vui, làm giờ học sinh động hẳn lên.”

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Vũ Quang Diệm lại nhớ nhất thầy Hoàng Túy sau một lần tranh luận khá căng thẳng trong giờ trả bài kiểm tra. “Tôi và thầy tranh luận rất hăng về phương án một câu dịch ngược, tôi vẫn giữ quan điểm của mình, còn thầy thì tức đỏ mặt lên.”

Cuối giờ, Vũ Quang Diệm được điểm 5- (lúc đó chấm theo thang điểm 5), cao nhất lớp. “Thầy đã chấp nhận là tôi đúng, nhưng, tự nhiên, thay vì mừng rỡ, tôi lại thấy mình nhỏ bé vô cùng trước thầy.”

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, hồi ở trường là học sinh K16 được thầy Hoàng Túy mời tham gia dịch sách. “Hồi đó, tôi được thầy Hoàng Túy rất quý vì học khá. Khi thầy dịch cuốn “Phát hiện Ấn Độ”, thầy giao cho tôi dịch hẳn một chương”, Nguyễn Quốc Dũng tự hào nhớ về người thày của mình.

Ngôn ngữ uyên bác, kiến thức uyên thâm


“Sau này, khi ra làm giáo viên, tôi vẫn phải dùng cách của thầy: Khi dịch ngược, trước hết phải đọc cả bài để ngấm toàn bộ nội dung, sau đó không chẻ chữ mà lấy thần thái của toàn bộ câu đó đưa thành câu tiếng Anh, bước cuối cùng thì mới chẻ chữ cho chuẩn. Đó là kiểu dịch mang tên Hoàng Túy”, Đại sứ Nguyễn Thành Châu nhớ lại.

“Thầy Hoàng Túy giỏi tiếng Trung nên từ ngữ của ông rất chuẩn xác, và bọn tôi học được nhiều. Tôi nhớ mãi chữ “cổ súy” của thầy, tiếng Anh là promote (thúc đẩy). Hay chữ “đặng” với nghĩa là “để” dùng trong những văn cảnh hợp lý thì rất đắt. Tôi cũng học được cách trong một câu không được dùng hai từ giống nhau, mà phải tìm từ tương đương nhét vào”, Đại sứ Nguyễn Thành Châu nói tiếp.

“Một ấn tượng sâu sắc nữa của tôi về thầy Hoàng Túy là thầy rất uyên thâm và sâu sắc về ngôn ngữ. Tiếng Anh thì khỏi nói, nhưng tiếng Việt thầy đọc rất là nhiều, hiểu rộng, từ đó mới giảng dạy cho chúng tôi,giúp ngôn ngữ chúng tôi phong phú, từ ngữ chúng tôi cũng học được rất nhiều”, Đại sứ Vũ Quang Diệm chia sẻ.

Đại sứ Vũ Quang Diệm nói rằng nhờ thế mà sau khi ra trường ông đã được phân ngay về Phòng Phiên dịch, trực tiếp dịch tài liệu chuẩn bị đàm phán Hiệp định Paris.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, vốn là sinh K16 cùng với Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng và Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, kể rằng ông là một trong những người học thầy Hoàng Túy lâu nhất: Hai năm cuối đại học (1984-1986) và hai năm chuẩn bị thi vào Bộ Ngoại giao (1987-1989). Vì vậy, ông có ấn tượng rất sâu sắc với cách dạy của thầy, chính nhờ thầy Hoàng Túy mà lứa sinh viên các ông biết được nguyên lý quan trong trọng trong dịch thuật là Tín (trung thành) – Đạt (đầy đủ) – Nhã (hay đẹp).

“Thầy Hoàng Túy thiên về cả dịch nói và viết, nên thầy phân biệt cho chúng tôi dịch nói thì ngôn từ sinh động, còn dịch viết phải ngắn gọn và chính xác hơn. Ông rất chú trọng đến việc dạy cho chúng tôi chuyển một câu thuần Việt sang thuần Anh, vì từ duy của hai ngôn ngữ khác nhau”, TS Nguyễn Vũ Tùng kể.

Ông nói: “Thứ nhất điều thầy Hoàng Túy, khi dạy dịch, luôn nói là dịch liên quan đến yếu tố không thể thiếu được là Hán – Việt. Ví dụ từ quán triệt, chúng tôi không hiểu nghĩa là gì, thầy giải thích theo nghĩa Hán – Việt, và thầy có từ điển Trung – Anh tra ra từ là follow, quán triệt đường lối của Đảng là follow the Communist Party’ Policy”.

“Thứ hai thầy dạy cho chúng tôi biết ngôn ngữ quý tộc trong dịch thuật, tiếng Việt mà dựa vào chứ Hán thì mới hay. Ví dụ mặt trời, tiếng Hán là thái dương nó sang hẳn lên. Thầy Hoàng Túy còn so được tiếng Hán với tiếng Anh, lại so được gốc tiếng Pháp hay tiếng La tinh của từ tiếng Anh đấy. Ví dụ nói “hệ mặt trời” không ai nói là “sun system” mà phải nói là “solar system”, theo tiếng La tinh. Thầy Hoàng Túy có sự so sánh ngôn ngữ mà không ai có được vì thầy biết cả tiếng Hán, tiếng Pháp và tiếng La tinh”, TS Nguyễn Vũ Tùng vẫn nhớ rõ.

Theo TS Nguyễn Vũ Tùng, điều thứ ba là thầy Hoàng Túy kéo sinh viên vào câu chuyện đối ngoại đang diễn ra ở đất nước mình. Hồi đấy Việt Nam mới mở cửa, nên những người như thầy được Bộ Ngoại giao huy động vào biên dịch những tài liệu gốc về chính sách đối ngoại của VN trong giai đoạn phá vây. Thầy cho sinh viên biết luôn những tài liệu ấy, và bắc cầu để sinh viên biết được Việt Nam đang có những mặt trận đối ngoại nào, và sinh viên hiểu được rằng mình cần phải làm gì với tư cách là người chuẩn bị tài liệu, ngôn ngữ hỗ trợ cho việc đàm phán, việc tiếp xúc, thành công.

“Thứ tư là thầy bổ sung cho chúng tôi biết những gì đang diễn ra ngoài xã hội, nhất là về văn học nghệ thuật, bởi chúng tôi chỉ có mớ sách vở ở trường. Lúc đó, thầy Hoàng Túy cũng đang tham gia dịch sang tiếng Anh những cuốn bùng nổ thời mở cửa của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Khắc Trường…, và nhất là ba cuốn được giải thưởng Hội Nhà văn là “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Thiên đường mù” của Dương Thu Hương, và “Bến không chồng” của Dương Hướng. Thầy nói nó hay chỗ nào, nó gắn vào đâu trong thời mở cửa của văn hóa nghệ thuật, và những tranh luận khi trao giải…”, TS Nguyễn Vũ Tùng nói.

Cũng theo TS Nguyễn Vũ Tùng, thầy Hoàng Túy rất cẩn thận trong chữa bài dịch của sinh viên. “Thầy gạch xóa, sửa chữa cho từng tí một, và cuối cùng thầy đưa cho bản thầy tự dịch. Nhiều khi thấy bản dịch vẫn chưa hay như ý thầy, đến hôm sau thầy lại đưa bản dịch đã sửa chữa một số từ cho chúng tôi”.

“Nhóm sinh viên chúng tôi học thầy Hoàng Túy một mà biết mười, biết sâu về chính trị, biết rộng ra ngoài xã hội, đặc biệt là văn học nghệ thuật”, TS Nguyễn Vũ Tùng kết.

Nguồn: Vietnamnet

Posted by: 

Nguyen Ba Dat • Development CSU’s Programs Manager
Columbia Southern University • Faculty Development
Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620 • Email: datcsu@hcm.fpt.vn


Bài đăng phổ biến từ blog này

Bằng cấp Đại học Nam Columbia Được Kiểm Định và Công nhận tại Việt Nam

Tân Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Cựu học viên Columbia Southern University

Chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh - Bí quyết hoàn tất trong thời gian ít hơn hai năm