Tại sao lại thờ ơ với những thông tin tích cực?

Các phương tiện truyền thông Việt Nam thường tràn ngập những hình ảnh “xấu xí” cùng những tin tức đáng buồn như đánh nhau, cướp giật, tham nhũng, nhưng thỉnh thoảng cũng có một tin vui. Đó là tin về việc hãng hàng không Vietnam Airlines hoãn chuyến bay 80 phút để cứu một hành khách Hàn Quốc khi người này đang trong cơn bệnh nguy kịch. Tôi tình cờ nghe xem được tin này qua kênh truyền hình quốc gia Hàn Quốc, sau đó tôi tự tìm các bài báo tiếng Việt để hiểu rõ hơn. 
Cụ thể là vào tối ngày 29/6, Vietnam Airlines đã sẵn sàng cho hoãn chuyến bay VN426 từ Yangon (Myanmar) về Hàn Quốc để bố trí một vị trí riêng, có kèm cáng cứu thương chở một hành khách người Hàn bị thương nặng khi đang công tác tại Myanmar. Được biết, rất nhiều hãng hàng không khác đã không chịu chở hành khách này vì lý do an toàn, trong đó có cả một hãng hàng không của chính Hàn Quốc. Hành động này của Vietnam Airlines đã khiến cho gia đình nạn nhân rất cảm kích. Hiện nay, ông Kim (tên hành khách) đã được phẫu thuật và đang hồi phục. Bên cạnh thông tin trên truyền hình Hàn Quốc, một nhật báo cũng đưa tin về hành động rất có tâm của Vietnam Airlines.
Một chiếc máy bay Boeing 777-2Q8/ER của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Câu chuyện này đã diễn ra gần 1 tháng nhưng hầu như không có một ai chia sẻ. Có lẽ đó không thực sự là một tin lớn, nhưng là một tin tức đáng mừng bởi nó góp phần làm đẹp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Điều này cũng khiến tôi tự đặt câu hỏi, vậy chúng ta đang quan tâm đến những thông tin gì? 
Tôi nhớ cách đây 1 năm về trước, tại Sài Gòn lần đầu tiên xuất hiện một địa điểm cung cấp bánh mì miễn phí cho người lao động nghèo. Thùng bánh mì luôn nóng hổi và được làm đầy cho đến hết ngày. 
Giữa cuộc sống bộn bề và còn nhiều khó khăn, thì đó là sự hiện diện của tình thương, niềm quan tâm giữa con người với nhau. Nhẽ ra, hình ảnh về thùng bánh mì đó chỉ nên thuần nhất là một tin vui, nhẹ nhàng, nhưng không, nó bỗng dưng trở thành một đề tài mới để đem ra mổ xẻ. Chỉ sau vài ngày xuất hiện, hàng loạt báo mạng tung lên một clip về việc một số người dân sống xung quanh “trơ trẽn” ra lấy rất nhiều bánh mì cùng một lúc trong khi có thông báo “từ thiện-miễn phí, một người một ổ”. Và clip này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Bỗng dưng, thùng bánh mì đó chở thành tiêu điểm để chúng ta mang ra phê phán nhau.
Lẽ thường, những câu chuyện thị phi luôn luôn cuốn hút nhiều người đọc. Tuy nhiên, việc phản ánh một vấn đề tiêu cực khác hẳn với việc bới móc hoặc xuyên tạc khía cạnh tiêu cực ở một câu chuyện mang tính tích cực. Mới đây, một nữ sinh trường Lê Hồng Phong, Sài Gòn, khi tham dự cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” bỗng được chú ý vì có ngoại hình xinh xắn. Bất ngờ hơn, em là 1 trong 3 trường hợp được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh bằng ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam, diễn ra năm 1998 và thành công mỹ mãn. Thông tin thú vị đó càng khiến tên của cô bé được nhắc đến nhiều hơn, đặc biệt khi năm nay là năm em tham gia kỳ thi đại học. 
Tuy nhiên, bằng cách nào đó, “cư dân mạng” đã phát hiện ra rằng điểm số của em không cao như mong đợi. Ngay lập tức, kết quả thi của em đã bị đem ra bêu riếu và làm trò đùa trên mạng xã hội. Những thông tin như thế thường thu hút người xem; nó là một lời bình luận là để góp vui, nhưng đủ lớn để gây sức ép lên một cô bé với tâm lý còn non nớt. Thú “săn” những luồng tin tiêu cực trong mỗi người trở thành thói quen hằng ngày, và vô tình tạo nên cách nhìn, cách nghĩ và cách phản ứng về mọi vấn đề theo chiều hướng tiêu cực, gây ra nhiều hậu quả mà chúng ta ít khi nhận thấy được.
Quay lại câu chuyện về Vietnam Airlines, chính tôi đã được nghe hoặc đọc quá nhiều thông tin tiêu cực về thái độ của tiếp viên, những lời phàn nàn về thức ăn, về ghế ngồi… khiến tôi luôn phải băn khoăn về việc chọn lựa các hãng hàng không quốc tế khác thay vì ủng hộ nước nhà. Tệ hơn nữa, khi bạn bè nước ngoài hỏi về Vietnam Airlines khi họ muốn đến Việt Nam chơi, tôi cũng không biết phải nói sao, thay vì gợi ý họ chọn lựa hãng hàng không khác từ các nước lân cận như Korean Air, Thai Airways… 
Xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện nhỏ, khi tôi đáp chuyến bay từ Đức đến Hy Lạp. Khi chuyến bay kéo dài 2 tiếng đồng hồ hạ cánh, đồng loạt hành khách trên máy bay đều vỗ tay rào rào. Tôi chưa kịp thắc mắc, hành khách bên cạnh mỉm cười nói với tôi rằng đây là một thói quen của họ trên bất kỳ chuyến bay nào của Aegean Airlines (hãng hàng không lớn nhất Hy Lạp) khi đáp xuống quê hương. Đó là cách họ thể hiện niềm vui khi về đến nhà an toàn, cũng như sự ủng hộ dành cho hãng hàng không nước nhà. Nếu không phải là sự tích cực trong cách nhìn nhận, làm sao họ có thể chuyển tải một thông tin đẹp đẽ đến vậy cho một người ngoại quốc?
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang 
Posted by:
Nguyen Ba Dat • Development CSU’s Programs Manager
Columbia Southern University • Faculty Development

Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620 • Email: datcsu@hcm.fpt.vn

7 Nguyen Binh Khiem Str, Dist 1 ● Ho Chi Minh ● Viet Nam

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bằng cấp Đại học Nam Columbia Được Kiểm Định và Công nhận tại Việt Nam

Tân Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Cựu học viên Columbia Southern University

Chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh - Bí quyết hoàn tất trong thời gian ít hơn hai năm